1. Ngày nay, khi không ít làng nghề truyền thống bị mai một bởi nhịp sống hiện đại thì ở Lộng Thượng, một vùng quê nghèo thuộc đồng bằng Bắc Bộ bà con vẫn đang ngày đêm gìn giữ, duy trì một làng nghề thủ công truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm.
Các sản phẩm đồ đồ phong phú, đa dạng của làng Rồng.
1. Chúng tôi tìm về thôn Lộng Thượng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) trong một ngày cuối hè oi ả. Làng nghề Lộng Thượng hay còn được người dân nơi đây gọi là Làng Rồng. Phải chăng vì những con đường nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, len lỏi trong làng giống hình thù con rồng hay vì những họa tiết, hoa văn tinh xảo hình rồng trên các sản phẩm đồ đồng mà người dân trong làng tạo ra đã khởi nguồn cho tên làng trìu mến đó.
Theo tương truyền, thuở xưa ở đây có câu ca dao: “Đồng nát thì về cầu Nôm, Con gái nỏ mồm về ở với cha”. Cầu Nôm hay thường được nhắc đến là một khu dân cư giáp ranh với thôn Lộng Thượng, nổi tiếng với nghề thu mua đồng nát từ nhiều đời nay. Từ những sản phẩm đồng phế liệu này mà các cụ làng Lộng Thượng đã dựng lên nghề đúc đồng truyền thống.
Khi mới hình thành, những sản phẩm đầu tay của người thợ đúc đồng thường là: mâm đồng, nồi, sanh đồng, tiền đồng. . . Sau này, kinh nghiệm nghề nghiệp được truyền lại cho con cháu đời sau, phát triển hơn và tạo ra nhiều sản phẩm hiện vật đa dạng, phong phú khác.
Làng nghề Lộng Thượng có trên 100 hộ gia đình làm nghề đúc đồng, còn lại hầu hết các hộ khác đều làm các công việc phụ trợ cho xưởng đúc. Nhân công chủ yếu là con em trong làng và lao động từ các vùng lân cận. Sản phẩm làm ra rất phong phú như: Lư hương, hạc, nến, lọ hoa, tranh đồng, tượng Phật. . .
Điều độc đáo ở đây là tất cả các sản phẩm đồ đồng đều được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, từ khâu làm khuôn đến sấy khuôn, đúc, rót. . . Người thợ làm nghề không chỉ có bàn tay khéo léo, tài hoa mà còn đam mê, tâm huyết với nghề. Ở mỗi công đoạn, họ đều có những bí quyết riêng để tạo ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, đẹp nhất.
2. Đồ đồng của làng Lộng Thượng rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay, đặc biệt là: đỉnh đồng, lư hương được làm theo hướng giả cổ, hay những đồ thờ Tam Sự, Ngũ sự. . .
Sản phẩm được làm ra từ làng Lộng Thượng có sự khác biệt rõ nét so với những nơi khác như đồ đồng ở Huế hay vùng Ý Yên (Nam Định), Đại Bái (Bắc Ninh). . . bởi nguyên liệu đồng vàng bắt mắt, với những nét chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo.
Hơn nữa, nét truyền thống đã được thổi hồn vào qua những hoa văn trên sản phẩm, những con nghê thuần Việt trên nắp chiếc đỉnh đồng cổ, pho tượng truyền thần khí sắc hùng dũng trang nghiêm của các danh tướng Đại Việt thuở xưa. Tất cả đều do bàn tay tài hoa và tâm huyết của những người thợ nơi đây.
Hơn một trăm mái nhà trong làng cùng làm nghề nhưng mỗi nhà lại có một thế mạnh khác nhau tạo nên những sản phẩm rất phong phú, đa dạng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng nghề truyền thống đúc đồng có lúc đã bị mai một do chiến tranh và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, những người con nơi đây đã không ngừng cố gắng, khôi phục lại truyền thống mà cha ông để lại.
Trò chuyện với anh Dương Văn Hồng- Phó chủ tịch thường trực của Hội làng nghề thôn Lộng Thượng, chúng tôi càng hiểu hơn về tâm sự của một con người tha thiết yêu quê hương và luôn muốn giữ gìn, phát triển những giá trị truyền thống trước nguy cơ mai một.
“Nghề đúc đồng là một nghề rất vất vả, đòi hỏi sự kiên nhẫn, cẩn thận. Tất cả các khâu đều thực hiện thủ công nên người thợ phải làm việc hết sức tập trung, tỉ mỉ và không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm mới, độc đáo” – Anh Hồng chia sẻ.
Về khó khăn, vất vả của nghề đúc đồng, anh Dương Văn Hồng cho biết, do phải làm việc hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên những khâu nặn khuôn, đúc, rót đồng người thợ phải làm việc trong môi trường nhiệt độ rất cao và thời gian dài. Hơn nữa, để sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường, cạnh tranh với nơi khác, mỗi nét khắc, chạm trổ trên sản phẩm đều là mồ hôi và trí tuệ của người thợ.
3. Mấy chục năm qua đã có không ít làng nghề truyền thống bị mai một, thậm chí bị “chết hẳn” bởi sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền hiện đại. Thế nhưng nhờ uy tín của mình, nghề đúc đồng truyền thống ở Lộng Thượng vẫn phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân là một kỳ tích. Tuy nhiên theo nghệ nhân Dương Văn Hồng thì tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm vẫn là khâu khó nhất. Cần lắm một sự tổ chức sản xuất kinh doanh theo kiểu “dây chuyền chuyên nghiệp” thì sẽ mang lại hiệu quả hơn.
Thu nhập từ nghề đồng truyền thống này là nguồn thu chính đối với kinh tế của trên 80% số hộ gia đình, góp phần quan trọng vào hoạt động giảm nghèo trong toàn thôn.
Chia sẻ với chúng tôi, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn ông Dương Đức Quyền tự hào với nghề truyền thống quê mình. Qua bao nhiêu thăng trầm mà người dân nơi đây vẫn sống và làm giầu được bằng nghề của cha ông. Cả thôn chỉ còn 4 gia đình thuộc diện khó khăn. Cuộc vận động giúp nhau giảm nghèo do Mặt trận chèo lái cũng đang tích cực giúp 4 gia đình này vươn lên.
Chia tay với làng Lộng Thượng một khoảng xa nhìn lại chỉ thấy xanh mát những bóng cây, ruộng lúa chín bời. Dù có nghề truyền thống nhưng mỗi gia đình vẫn canh tác có hiệu quả trên nhũng mảnh ruộng của mình. Năm nay có vẻ được mùa