Sunday, September 06, 2015

Làng nghề đúc đồng ở Lộng Thượng

1. Ngày nay, khi không ít làng nghề truyền thống bị mai một bởi nhịp sống hiện đại thì ở Lộng Thượng, một vùng quê nghèo thuộc đồng bằng Bắc Bộ bà con vẫn đang ngày đêm gìn giữ, duy trì một làng nghề thủ công truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm.
Các sản phẩm đồ đồ phong phú, đa dạng của làng Rồng.
1. Chúng tôi tìm về thôn Lộng Thượng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) trong một ngày cuối hè oi ả. Làng nghề Lộng Thượng hay còn được người dân nơi đây gọi là Làng Rồng. Phải chăng vì những con đường nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, len lỏi trong làng giống hình thù con rồng hay vì những họa tiết, hoa văn tinh xảo hình rồng trên các sản phẩm đồ đồng mà người dân trong làng tạo ra đã khởi nguồn cho tên làng trìu mến đó.
Theo tương truyền, thuở xưa ở đây có câu ca dao: “Đồng nát thì về cầu Nôm, Con gái nỏ mồm về ở với cha”. Cầu Nôm hay thường được nhắc đến là một khu dân cư giáp ranh với thôn Lộng Thượng, nổi tiếng với nghề thu mua đồng nát từ nhiều đời nay. Từ những sản phẩm đồng phế liệu này mà các cụ làng Lộng Thượng đã dựng lên nghề đúc đồng truyền thống.
Khi mới hình thành, những sản phẩm đầu tay của người thợ đúc đồng thường là: mâm đồng, nồi, sanh đồng, tiền đồng. . . Sau này, kinh nghiệm nghề nghiệp được truyền lại cho con cháu đời sau, phát triển hơn và tạo ra nhiều sản phẩm hiện vật đa dạng, phong phú khác.
Làng nghề Lộng Thượng có trên 100 hộ gia đình làm nghề đúc đồng, còn lại hầu hết các hộ khác đều làm các công việc phụ trợ cho xưởng đúc. Nhân công chủ yếu là con em trong làng và lao động từ các vùng lân cận. Sản phẩm làm ra rất phong phú như: Lư hương, hạc, nến, lọ hoa, tranh đồng, tượng Phật. . .
Điều độc đáo ở đây là tất cả các sản phẩm đồ đồng đều được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, từ khâu làm khuôn đến sấy khuôn, đúc, rót. . . Người thợ làm nghề không chỉ có bàn tay khéo léo, tài hoa mà còn đam mê, tâm huyết với nghề. Ở mỗi công đoạn, họ đều có những bí quyết riêng để tạo ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, đẹp nhất.
2. Đồ đồng của làng Lộng Thượng rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay, đặc biệt là: đỉnh đồng, lư hương được làm theo hướng giả cổ, hay những đồ thờ Tam Sự, Ngũ sự. . .
Sản phẩm được làm ra từ làng Lộng Thượng có sự khác biệt rõ nét so với những nơi khác như đồ đồng ở Huế hay vùng Ý Yên (Nam Định), Đại Bái (Bắc Ninh). . . bởi nguyên liệu đồng vàng bắt mắt, với những nét chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo.
Hơn nữa, nét truyền thống đã được thổi hồn vào qua những hoa văn trên sản phẩm, những con nghê thuần Việt trên nắp chiếc đỉnh đồng cổ, pho tượng truyền thần khí sắc hùng dũng trang nghiêm của các danh tướng Đại Việt thuở xưa. Tất cả đều do bàn tay tài hoa và tâm huyết của những người thợ nơi đây.
Hơn một trăm mái nhà trong làng cùng làm nghề nhưng mỗi nhà lại có một thế mạnh khác nhau tạo nên những sản phẩm rất phong phú, đa dạng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng nghề truyền thống đúc đồng có lúc đã bị mai một do chiến tranh và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, những người con nơi đây đã không ngừng cố gắng, khôi phục lại truyền thống mà cha ông để lại.
Trò chuyện với anh Dương Văn Hồng- Phó chủ tịch thường trực của Hội làng nghề thôn Lộng Thượng, chúng tôi càng hiểu hơn về tâm sự của một con người tha thiết yêu quê hương và luôn muốn giữ gìn, phát triển những giá trị truyền thống trước nguy cơ mai một.
“Nghề đúc đồng là một nghề rất vất vả, đòi hỏi sự kiên nhẫn, cẩn thận. Tất cả các khâu đều thực hiện thủ công nên người thợ phải làm việc hết sức tập trung, tỉ mỉ và không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm mới, độc đáo” – Anh Hồng chia sẻ.
Về khó khăn, vất vả của nghề đúc đồng, anh Dương Văn Hồng cho biết, do phải làm việc hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên những khâu nặn khuôn, đúc, rót đồng người thợ phải làm việc trong môi trường nhiệt độ rất cao và thời gian dài. Hơn nữa, để sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường, cạnh tranh với nơi khác, mỗi nét khắc, chạm trổ trên sản phẩm đều là mồ hôi và trí tuệ của người thợ.
3. Mấy chục năm qua đã có không ít làng nghề truyền thống bị mai một, thậm chí bị “chết hẳn” bởi sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền hiện đại. Thế nhưng nhờ uy tín của mình, nghề đúc đồng truyền thống ở Lộng Thượng vẫn phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân là một kỳ tích. Tuy nhiên theo nghệ nhân Dương Văn Hồng thì tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm vẫn là khâu khó nhất. Cần lắm một sự tổ chức sản xuất kinh doanh theo kiểu “dây chuyền chuyên nghiệp” thì sẽ mang lại hiệu quả hơn.
Thu nhập từ nghề đồng truyền thống này là nguồn thu chính đối với kinh tế của trên 80% số hộ gia đình, góp phần quan trọng vào hoạt động giảm nghèo trong toàn thôn.
Chia sẻ với chúng tôi, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn ông Dương Đức Quyền tự hào với nghề truyền thống quê mình. Qua bao nhiêu thăng trầm mà người dân nơi đây vẫn sống và làm giầu được bằng nghề của cha ông. Cả thôn chỉ còn 4 gia đình thuộc diện khó khăn. Cuộc vận động giúp nhau giảm nghèo do Mặt trận chèo lái cũng đang tích cực giúp 4 gia đình này vươn lên.
Chia tay với làng Lộng Thượng một khoảng xa nhìn lại chỉ thấy xanh mát những bóng cây, ruộng lúa chín bời. Dù có nghề truyền thống nhưng mỗi gia đình vẫn canh tác có hiệu quả trên nhũng mảnh ruộng của mình. Năm nay có vẻ được mùa

Thursday, June 11, 2015

Thiên đường du lịch ngay gần Việt Nam nên tới trong mùa hè

1. Krabi (Thái Lan)

Hãy tạm quên Bangkok hay Phuket đi bởi Krabi sẽ là lựa chọn tuyệt vời mà bạn nên ghi vào sổ tay của mình. Chỉ mất 1,5 giờ bay từ Bangkok, Krabi nằm ở miền Nam Thái Lan và sở hữu những bãi biển đẹp như thể vừa được tráng qua một lớp Photoshop. Krabi vắng vẻ và thanh bình (cảm ơn những du khách đổ xô về Phuket cũng khá gần đó), nhưng hơn hết, Krabi sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ, phóng khoáng và rực rỡ của một vùng biển chưa bị “thị trường hóa”.





Ở Krabi, bạn có thể dành thời gian đi ngắm vịnh Ao Nang, hay xuôi phà ghé thăm đảo Koh Phi Phi, Koh Lanta. Nước biển xanh và trong như ngọc, bạn có thể thoải mái vẫy vùng hay bơi lặn với đàn cá, cũng có thể treo mình trên những vách núi hoặc tắm suối nước nóng. Thêm một điểm cộng nữa, đó là vé máy bay từ Bangkok đi Krabi không hề đắt, chưa kể đó là chi phí sinh hoạt, ăn ở tại nơi này cũng rẻ hơn Phuket hay Pattaya, vậy nên hãy chắc rằng bạn đã nhớ cái tên này trong list chuyến đi của mình tháng tới.

2. Koh Rong Samloem (Campuchia)

Nếu bạn đang tìm một hòn đảo xinh đẹp để chạy trốn sự xô bồ của cuộc sống bận rộn, Koh Rong Samloem chắc chắn sẽ là gợi ý hoàn hảo giúp bạn có vài ngày thảnh thơi.


Koh Rong Samloem là một hòn đảo xinh đẹp ở Campuchia, chỉ cách SihanoukVille khoảng 2km với 45’ đi tàu trên biển. Điều khiến Koh Rong Samloem đặc biệt, đó là nơi này không chỉ đẹp, mà còn giữ được sự nguyên sơ và trong lành vốn có. Dịch vụ du lịch ở nơi này mới manh nha phát triển, điều này rất tuyệt bởi như đã nói ban đầu, Kohrong Samloem là nơi hoàn hảo để bạn chạy trốn sự xô bồ bận rộn. Ở đây, chẳng có sóng wifi, điện thì cắt 2 lần/ngày và khi điện tắt, bạn cũng có thể nói tạm biệt… điện thoại.
Bỏ qua những bất tiện tuyệt vời về mặt công nghệ, Kohrong Samloem vẫn là một hòn đảo xinh đẹp, nên thơ với một vài resort xinh xắn, đáng yêu nằm sát ven biển. Ở đây, bạn có thể mắc võng đọc sách, thả mình dưới làn nước trong vắt hay lặn ngụp ngắm san hô. Và cũng bởi du lịch nơi này chưa thực sự phát triển, vậy nên Kohrong Samloem có giá không hề “cắt cổ”, bạn chắc sẽ chỉ cần dằn túi khoảng 3 triệu cho một chuyến đi 2-3 ngày, xuất phát từ Sài Gòn.

3. Lệ Giang (Trung Quốc)

Nhắc đến du lịch Trung Quốc, hẳn nhiên hình ảnh đầu tiên bạn nghĩ đến sẽ là Tử Cấm Thành. Thế nhưng thôi nào, đừng để đầu óc mình bị giới hạn bởi những gì… quá quen thuộc như thế. Trung Quốc có nhiều nơi tuyệt vời hơn đến Bắc Kinh ngắm Tử Cấm Thành, và Lệ Giang là một ví dụ như vậy.


Lệ Giang được nhiều trang báo quốc tế đặt cho cái tên: Thành phố đẹp nhất Trung Quốc, còn giới trẻ Trung Quốc thì ao ước được lăn xả về Lệ Giang để mở cafe. Lệ Giang có cái vẻ đẹp duyên dáng, cổ kính đặc trưng mà ta thường thấy trong các bộ phim truyền hình cổ trang. Đường phố sạch sẽ, không khí trong lành với rất nhiều cây, khung cảnh hùng vĩ khi từ Lệ Giang, bạn có thể ngắm nhìn vẻ uy nghi của đỉnh Ngọc Long Tuyết Sơn. Có lẽ, nếu cứ liệt kê những mỹ từ về Lệ Giang sẽ là sáo rỗng, bởi điều khiến thành phố trở nên đáng nhớ không chỉ là cảnh đẹp, mà còn là linh hồn của nó.


Ở Lệ Giang, đó là sự thanh bình và duyên dáng. Từ những mái nhà cổ kính cho đến những hàng liễu rủ thật duyên bên những dây đèn lồng đỏ, con đường lát đá uốn quanh co các khu nhà và cả những dòng suối chảy len lỏi qua các con phố. Đó là những điều thổi vào Lệ Giang cái hồn bình yên, thanh tịnh giữa vẻ đẹp của cảnh sắc vùng Vân Nam.

4. Bagan (Myanmar)

Bạn lên mạng và search: Du lịch Myanmar, thì chắc chắn có đến 1/3 số ảnh hiện lên trang Google Image của bạn sẽ là ảnh những khinh khí cầu bay trong nắng sớm vàng rực, trôi bồng bềnh qua những ngôi chùa của vùng Bagan. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XI cho đến cuối thế kỷ XIII, đã có hơn 4000 ngôi chùa, đền được xây dựng ở nơi này. Tính đến nay, "chỉ" còn sót lại 2200 dấu vết của những công trình đó. Điều này làm nên sự đặc biệt cho Bagan, mang sự cổ kính vào ngay cả bầu không khí và từng ngọn gió ở nơi này.


Bagan đẹp nhất khi bình minh, có lẽ bởi vậy mà người ta đến Bagan thường muốn thử ngồi trên khinh khí cầu, bay trên những đỉnh tháp vào buổi sớm, chỉ để ngắm một Bagan cổ kính, hoang sơ và tĩnh mịch. Nắng vàng rực, huy hoàng như cảnh cắt ra từ một bộ phim, cảnh sắc cổ kính giống như bạn đang ngồi trên cỗ máy thời gian, du ngoạn quay ngược lại quá khứ.

5. Luang Prabang (Lào)

Đến Lào, bên cạnh ghé thăm Viêng Chăn, hãy chắc rằng mình đã lên kế hoạch ghé Luang Prabang. Thành phố này thật sự là một viên ngọc với những ai ưa tìm sự bình yên. Đây là một thành phố di sản tuyệt đẹp với những ngôi chùa, những con đường đất liêu xiêu trong nắng thấp thoáng bóng phật tử, bình yên thấm đẫm trong từng hơi thở, từng giọt nắng. Và thậm chí nơi này còn được thiên nhiên ưu ái với những thác nước đẹp kỳ ảo nữa chứ. Bạn thậm chí chỉ muốn quẳng hết những gánh nặng thường nhật để trốn ở nơi này, từ bây giờ cho đến nhiều năm về sau nữa.



6. El nido (Philippines)

Phillipines luôn là một kho báu dành cho các tín đồ của biển, với những hòn đảo đẹp tuyệt vời như những viên ngọc đính trên chuỗi đá. El Nido là một viên ngọc như vậy, một viên ngọc mà sẽ khiến bạn hoàn toàn hiểu được ý nghĩa của từ: thiên nhiên ban tặng.

Nằm ở cuối đảo Palawan, cách Manila khoảng 420km, El Nido vắng vẻ và duyên dáng như một hòn ngọc thô vừa được người ta phát hiện. Ở El Nido, bạn có thể thoải mái tắm, lặn biển và cùng xuôi thuyền ghé thăm các đảo nhỏ hơn hay các bãi tắm bí mật ít người biết đến. Khi chán, bạn có thể nằm ườn trên bãi cát trắng phau, nghe nhạc và chỉ thả lỏng bản thân thôi cũng đủ thấy hạnh phúc.

7. Cao nguyên Cameron (Malaysia)

Trái ngược với những gì người ta tưởng tượng về một Malaysia nhộn nhịp, cao nguyên Cameron là một hình ảnh hoàn toàn khác về Malaysia, một hình ảnh thanh bình, thiên nhiên và ngoạn mục.

Cameron là khu nghỉ dưỡng lớn bậc nhất ở Malaysia, nơi này sở hữu những đồn điền chè, dâu, những quả đồi êm mịn màu xanh mướt của cỏ. Cao nguyên Cameron có khí hậu mát mẻ, với sương sớm lành lạnh vào những buổi tờ mờ sáng và nắng vàng ngọt mỗi khi về chiều. Ở đây, bạn không chỉ được cởi bỏ sự mệt nhọc của đời sống bận rộn, cũng không chỉ được hít thở không khí vùng cao nguyên, mà còn được thả mắt ngắm nhìn những ngọn đồi chè hun hút, bạt ngàn sắc xanh, tạo thành một cảnh sắc đẹp như một bức tranh với nhiều sắc độ.

8. Boracay (Philippines)

Là một hòn đảo xinh đẹp nằm ngoài khơi đất nước Philippines, đã từ lâu, Boracay trở thành một trong những "thương hiệu" du lịch của đất nước này, với bãi cát trắng phau và nước biển màu xanh ngọc.

Boracay có đầy đủ mọi yếu tố để trở thành một thiên đường: Khung cảnh thanh bình đặc trưng của một vùng đảo, cảnh biển nên thơ, vừa hoang sơ lại vừa quyến rũ, dịch vụ tốt với đầy đủ các lựa chọn từ cao cấp tới bình dân cho khách du lịch. Ở Boracay, bạn có thể thoải mái lựa chọn, khi thì tắm biển, lúc lại nhảy từ trên một mỏm đá xuống làn nước trong veo, cũng đừng quên lặn biển bởi việc bơi giữa đàn cá và ngắm san hô qua làn nước trong vắt này thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời.

Monday, March 23, 2015

Các công trình kiến trúc du lịch văn hóa tiêu biểu của Singapore

Nổi tiếng là một đất nước xanh - sạch - đẹp, Singapore còn có những công trình kiến trúc độc đáo, ấn tượng thu hút khách du lịch khắp nơi.Công viên Merlion Park
Công viên Sư tử biển (Merlion park) tọa lạc bên bờ sông Singapore thuộc khu thương mại nằm về phía Nam đất nước, có diện tích 2.500m2, có những bậc thềm bên sông và chỗ ngồi ngắm cảnh với sức chứa đến 300 người. Ở đây nổi tiếng với bức tượng Sư tử biển, được mệnh danh là “Biểu tượng chào đón du khách đến Singapore”.
Tượng Sư tử biển có hình một con thú đầu sư tử, mình cá đang cưỡi trên sóng. Đầu sư tử tượng trưng cho truyền thuyết về quá trình khám phá Singapore. Đuôi cá của Merlion tượng trưng cho sự khởi đầu khiêm tốn của Singapore từ một làng chài ven biển.
Tượng Merlion với chiều cao 8,6m và trọng lượng 70 tấn được đúc bằng xi măng.
Merlion bên dòng sông Singapore.
Công viên Gardens by the Bay
Nằm ở vịnh Marina, Garden by the Bay là một trong những dự án trọng điểm của Singapore trong việc biến thủ đô nước này trở thành khu vườn sinh quyển với một khu vườn khổng lồ rộng 101 héc-ta. Được khai trương năm 2012, với tổng vốn đầu tư 1 tỷ đô Sing, vườn địa đàng Gardens by the Bay  gồm 3 khu vườn tách biệt Bay South, Bay East và Bay Central trông ra cảng với những đặc trưng thiết kế riêng. Công viên tập trung khoảng 226 nghìn loại cây ví như cây oliu 1 nghìn năm tuổi từ Tây Ban Nha, cải bắp Chile…
Sau hơn hai năm kể từ khi mở cửa, Khu vườn bên Vịnh đã trở thành một trong những địa điểm độc đáo và nổi tiếng nhất của Singapore.
Điểm độc đáo của khu vườn là các “siêu cây” có cấu trúc kiểu tháp, được làm từ bê tông và thép, có chiều cao lên tới 50 mét. Những chiếc cây nhân tạo này được lắp các tin mặt trời, các vườn treo và sẽ được sử dụng để trưng bày các loại cây cối đến từ khắp nơi trên thế giới.
Khu tổ hợp Marina Bay Sands
Tọa lạc bên bờ vịnh Marina xinh đẹp của Singapore, Marina Bay Sands là một khu nghỉ dưỡng tổng hợp cao cấp và lớn nhất châu Á. Marina Bay Sands có thiết kế vô cùng độc đáo với khu công viên Sky park mang hình dáng một con tàu khổng lồ với hơn 600 loài thực vật, một bể bơi ngoài trời lớn và cao nhất thế giới và ngay trước khu vực cảng biển là bảo tàng hoa sen với những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại.
Những công trình kiến trúc đặc sắc ở Singapore 1
Marina Bay Sands bao gồm một khách sạn trung tâm, các khu mua sắm, giải trí, casino , nhà hát, bảo tàng Hoa sen...
Những công trình kiến trúc đặc sắc ở Singapore 2
công viên Sky park ở tầng thứ 57 là nơi  có thể chiêm ngưỡng 360 độ đường chân trời của đảo quốc Singapore.
Hệ thống khách sạn Parkroyal
Hệ thống khách sạn Parkroyal là biểu tượng xanh nổi tiếng của Singapore. Kiến trúc xanh của công trình được bố trí một cách nghệ thuật tinh tế với hệ thống cây xanh được thiết kế theo nhiều cấp bậc gồm các loại cây nhiệt đới và dây leo khiến cho du khách đến đây có cảm giác như đang được sống giữa thiên nhiên tươi đẹp.
Cùng với đó là hệ thống làm mát tiết kiệm năng lượng và vô cùng hiệu quả, hệ thống xử lý nước mưa, nước thải, hệ thống ánh sáng cảm biến và kính năng lượng mặt trời ….. tất cả như một khu rừng nhiệt đới nằm ở giữa trung tâm của thủ đô ngân hàng của khu vực Đông Nam Á.
Vòng quay khổng lồ Singapore Flyer
Trong nỗ lực nhằm thu hút khách du lịch, Chính phủ của đảo quốc sư tử đã xây dựng một vòng đu quay khổng lồ mang tên Singapore Flyer với chi phí 143 triệu USD.
Singapore Flyer cao 178 m tương đương chiều cao một tòa nhà 45 tầng và cao hơn vòng đu quay London Eye nổi tiếng nằm bên bờ sông Thames ở Anh quốc, vốn cao 135 m. Vòng đu quay có 28 toa, mỗi toa chở được 25 người, quay mỗi vòng mất 37 phút.
Singapore Flyer tọa lạc ngay bên vịnh Marina. Từ trên Singapore Flyer, du khách có thể nhìn ngắm phong cảnh cách xa đến 45 km và có thể nhìn thấy hai nước láng giềng Malaysia và Indonesia.

Wednesday, August 20, 2014

Câu cá chép siêu lớn

Ông Andy Harman, người vừa bước sang tuổi 56, đã mất gần một giờ vật lộn để có thể tóm gọn con cá. "Món quà sinh nhật hoàn hảo" được ông Harman đánh bắt ở khu du lịch câu cá Gillham, Krabi, miền nam Thái Lan.
Ông Harman chia sẻ: "Con cá đã mắc bẫy của tôi và chui vào một cái lồng hình chữ nhật. Nó quá lớn so với chiếc lưới đánh cá thông thường".
Harman là người rất có kinh nghiệm trong việc "săn" cá. Con cá chép Xiêm lớn nhất mà ông từng câu được trước đây nặng 33kg.
Sau khi tạo dáng chụp vài bức ảnh với "chiến lợi phẩm", Harman đã thả tự do cho con cá. Ông từng giành giải nhất trong cuộc thi câu cá uy tín Drennan Cup. Sở thích của Harman là đi khắp Thái Lan, đất nước nổi tiếng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, để tìm kiếm mục tiêu mới.
Harman chụp lại miếng bánh mì được ông sử dụng như mồi câu. Cá chép Xiêm là loài lớn nhất trong họ cá chép, được tìm thấy ở khu vực sông Mê Kông và Chao Phraya.

Friday, August 15, 2014

12 món ngon trứ danh Phan Thiết

1. Gỏi cá mai

Gỏi cá mai là món nhậu yêu thích của đấng mày râu. Buổi chiều đi dọc các quán ở khu vực bờ kè ven sông Cà Ty hay Mũi Né, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những tấm biển ghi tên món ăn này.
Vị chát của chuối xanh, chua chua của khế, giòn tan của dưa chuột, vị cay của tỏi ớt và thơm mát của các loại rau… tất cả tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn làm mê đắm những tâm hồn ăn uống.
Cá mai sau khi bóp chanh, tẩm ướp gia vị sẽ được trộn cùng răm, hành, húng, đậu phụ rang. Nước chấm cá mai tương đối cầu kỳ, trông sền sệt rất hấp dẫn và thơm mùi của me, chuối chín, tỏi và ớt. Khi ăn có thể cuốn bánh tráng cùng khế, chuối xanh, dưa leo, xà lách…

2. Gỏi ốc giác

Gỏi ốc giác là món ăn chơi rất được ưa thích ở Phan Thiết. Không chỉ mát và bổ, món ăn này còn hấp dẫn thực khách bởi vị ngọt đậm rất riêng của ốc. Món gỏi là sự kết hợp của đu đủ, đậu phộng, rau rẩm, hành tây, khi ăn thường kèm với bánh tráng, phồng tôm và chấm cùng mắm chua ngọt.
Gỏi được bán tại khu Sở Y Tế ngay gần Ga Phan Thiết vào buổi chiều tối. Đến đây, bạn còn được thưởng thức một số loại ốc khác cũng hấp dẫn không kém.

3. Dông đất nướng

Dông là một trong những món đặc sản của Phan Thiết. Chúng là loài động vật sống trong hang và thường ra những đồi cát trải dài vào sáng tinh mơ để ăn chồi non, uống nước sương đêm, nên thịt rất thơm, mềm ngọt.
Ở Phan Thiết, nổi tiếng nhất là các quán Dông trên đường Nguyễn Đình Chiểu.
Có nhiều món ngon chế biến từ dông như chả, gỏi, nấu cháo, xào sả ớt, nấu dưa hồng… nhưng dông nướng lại lôi cuốn được nhiều du khách nhất bởi hương vị thơm ngon đặc biệt hơn cả.

4. Bánh hỏi

Món ăn chỉ bao gồm bánh hỏi, lòng heo, bánh tráng mỏng, rau sống và nước chấm, nhưng khó nơi nào có thể sánh được. Bánh hỏi ở đây có phần khá rời rạc, cọng nhỏ nhắn, mịn màng, dai và thoạt nhìn có vẻ giống bún hơn. Đĩa lòng phải có đủ tim, gan, cật, phèo non và nhất định không thể thiếu thịt ba chỉ. Nước chấm làm từ nước cốt me pha chung tỏi ớt xay nhuyễn, đường và một chút muối tạo nên vị chua ngọt thơm dịu.
Du khách có thể thưởng thức món ẩm thực này ngay trong thành phố biển trên đường Trần Phú buổi sáng. Hoặc đúng hương vị quê gốc của món này, thì hỏi đường đến Phú Long, cách Phan Thiết khoảng 6 km về phía Bắc. Giá: 20.000 đồng/xuất ăn.

5. Bánh căn

Đây là món ngon vỉa hè ở thành phố biển, thường thấy trên đường Ngư Ông, Hải Thượng, Thủ Khoa Huân hay dọc chợ Phan Thiết. Những chiếc bánh căn được nung chín bằng khuôn đất, bên trong là nhân đủ vị như thịt, trứng, mực, tôm…
Giá một đĩa bánh căn từ 25 – 30.000đồng, bạn có thể ăn chơi hoặc ăn thay cơm mà không thấy chán.
Nước chấm là điểm nhấn cho món ăn với màu đỏ tươi hấp dẫn, được pha sánh và có vị chua ngọt hơi cay rất ngon miệng. Bánh căn được ăn chung với các loại rau sống như xà lách, rau cải, húng quế, diếp cá và xoài xanh xắt sợi nhỏ.

6. Bánh xèo

Bánh xèo Phan Thiết khác hơn so với bánh xèo các nơi ở chỗ, bên trong có đủ tôm, mực, mỡ, thịt heo ba chỉ… mà toàn là đồ tươi luôn sẵn có của miền biển. Bạn có thể ăn ở bất kỳ tiệm nào trên con đường Tuyên Quang, Bình Hưng, Phan Thiết.
Bánh xèo Phan Thiết thường được ăn bằng cách thả chiếc bánh vừa vớt ra còn nóng vào bát nước chấm cho ngập bánh, ăn cùng rau húng, dấp cá, quế thơm…

7. Răng mực

Nhiều du khách đến đây thấy tò mò về món ăn chơi rất được lòng các cô cậu học trò, hỏi ra mới biết đó là những chiếc răng mực.
Răng mực rửa sạch, ướp gia vị, tùy theo yêu cầu của thực khách mà chủ quán có thể nướng, chiên hay xào. Cảm giác sần sật, dai thơm rất vui miệng khi nhai răng mực. Bạn có thể tìm ăn ở gần Ga Phan Thiết, trên đường Nguyễn Tất Thành…
Tối mát trời, dừng chân bên một quán cóc ven đường, ngồi nhâm nhi những chiếc răng mực nướng với bạn bè, thêm ly trà đá mát lạnh thì không gì tuyệt bằng.

8. Bánh tráng cuốn dẻo

Tuy thành phần khá đơn giản là bánh tráng dẻo, mắm ruốc, tóp mỡ và trứng cút cuộn lại nhưng bánh tráng cuốn dẻo là món ăn vặt không thể bỏ lỡ khi du lịch Phan Thiết. Món này thường được bán cùng với các quán bánh tráng mắm ruốc nướng ở lề đường vào buổi chiều muộn ở ngã tư Trần Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân, ngã ba Tam Biên…

9. Bánh tráng chấm mắm ruốc

Có thể nói, bánh tráng chấm mắm ruốc là món ăn đặc sản và truyền thống của Phan Thiết, gắn liền với tuổi thơ của hầu hết người dân nơi đây. Bánh tráng chấm nắm ruốc kết thân với người dân từ bữa sáng đến những chiều cần có gì lót dạ.
Mắm múc ra, vắt thêm chanh, ớt xay rồi đánh đều là bí quyết làm cho món ăn trở nên hấp dẫn. Nếu từng một lần ăn thử món này, có thể bạn sẽ bị phải lòng vị thơm lừng đặc trưng của mắm ruốc, giòn giòn, bùi bùi của bánh tráng nướng với cái dai của bánh tráng cuốn, hòa chung vị mát lành của rau và chua nhẹ của xoài. Nhiều khách du lịch lưu luyến món ăn này thường ra chợ Phan Thiết tìm mua mắm ruốc để mang chút vị Phan Thiết về nhà.
Bánh tráng cuốn chung với rau răm, dưa leo, xoài chua, trứng cút dầm nát, bánh tráng nướng bẻ vụn và cuốn tròn lại ấy vậy mà hương vị thì đậm đà khó quên.

10. Bánh quai vạc tôm thịt

Có dịp đến thành phố Phan Thiết, du khách hãy thưởng thức bánh quai vạc, chắc sẽ không bao giờ quên được hương vị riêng biệt của món ăn và vị ngọt của tôm biển tươi rói. Pha nước chấm hơi đặc với nguyên liệu chủ yếu là nước mắm, đường cát, ớt xiêm cắt lát mỏng, nêm nếm cho hợp khẩu vị.
Gắp bánh bày lên đĩa, kèm vài lát chanh bên cạnh chén hành củ, tóp mỡ phi vàng. Khi ăn cho bánh vào chén, rắc hành phi mỡ với nước chấm, tí chanh và nâng chén. Nhai từ từ sẽ tận hưởng cái vị ngòn ngọt, dai dai, béo béo, cay cay, mà ngon khó lòng quên được.

11. Mì Quảng vịt

Với người Phan Thiết, thay bằng ăn kèm thịt heo, thịt vịt mềm với hương vị cay cay, ngọt béo sẽ làm món mì Quảng càng thơm ngon, hấp dẫn hơn. Một tô mì Quảng vịt nóng hổi, thơm nồng với vị béo vừa phải của vịt cỏ cùng với vị cay của ớt, bùi của đậu phộng, hủ tíu và hương thơm của rau ăn kèm sẽ làm hài lòng dạ dày của bạn.
Một bát Mì Quảng vịt với giá từ 15.000 – 40.000/tô, bạn có thể tìm đến những quán gia truyền trên đường Trần Phú, gần trường Tuyên Quang, Phan Bội Châu…

12. Bánh canh chả cá

Hầu hết du khách khi du lịch Phan Thiết đều thử qua bánh canh, món ăn đơn giản nhưng lại có sức hút rất đặc biệt. Bánh canh ở đây có hai loại là bánh canh chả cá và bánh canh chả hấp được chế biến rất ngon, khi ăn có thể kèm theo bánh mì để chấm với nước bánh canh. Bạn có thể ăn món này tại một số quán trên đường Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Kim Đồng… vào buổi chiều tối.
Ngoài những món ăn kể trên, thành phố Phan Thiết còn thiết đãi du khách nhiều món ăn ngon miệng khác như: cơm gà đường Lê Hồng Phong; lẩu cá đường Phan Đình Phùng; chả lụi đường Trần Hưng Đạo; bánh bèo, bánh bò ở gần ga Phan Thiết, phở khuya Lạc Hà

Thursday, August 14, 2014

21 quán ăn ngon ở Đà Nẵng

Bánh tráng cuốn thịt heo
Bánh tráng cuốn thịt heo
Sau những giờ thăm thú cảnh quan, tắm biển ở Đà Nẵng, những món ăn đậm đà của người địa phương sẽ giúp bạn hài lòng trọn vẹn với chuyến vi vu lần này.
  1. Bánh tráng cuốn thịt heo quán Mậu, 35 Đỗ Thúc Tịnh, bánh tráng Trần số 4 Lê Duẩn.
  2. Hải sản bà Thôi 1: 98,100,102 Lê Đình Dương – Hải Châu, ĐT: 05113 825 384; quán Hải Sản Bà Thôi 2: KDC Mở Rộng 2 – Đường Hoàng Sa – Sơn Trà, ĐT: 0905 055 511
  3. Bún chả cá gia truyền 109 Nguyễn Chí Thanh – quận Hải Châu. Giá: 20 nghìn/tô bình thường và 25 nghìn/tô đặc biệt; thời gian phục vụ từ 6h – 22h, giờ cao điểm là 7h – 9h sáng và 17h – 20h tối.
  4. Bánh xèo bà Dưỡng trong kiệt 11 (ngõ/hẻm 11) phố Hoàng Diệu, địa chỉ mới: K280/23 Hoàng Diệu. Ở đây có món nước chấm bánh xèo đặc biệt, rất đậm đà. Chú ý: có một số quán khác cũng mở ra ở trước đó nên bạn chú ý biển tên để vào cho đúng nhé.
  5. Bún mắm bà Thuyên ở K424/03 đường Lê Duẩn, đối diện chi nhánh MobiFone và Nguyễn Thị Minh Khai. Giá 15.000 – 20.000 VND/tô.
  6. Mì Quảng số 1A Hải Phòng. Có nhiều loại: tôm, thịt heo, gà, trứng; Mì quảng bà Vị: 155 Trng Nữ Vương; Giá tham khảo: 20.000 – 30.000 VND/tô
  7. Bánh canh cá lóc Thanh Hương: 130 Lê Đình Dương; Bánh canh cá lóc Nhất Vang: 241 Hoàng Diệu; Bánh canh Minh Nguyệt: 8 Yên Bái; Bánh canh Nga: 193 Đống Đa. Giá: 20 – 25.000 VND/tô
  8. Bánh nậm lọc, quán Bà Bé: 100 Hoàng Văn Thụ
  9. Cháo vịt Thanh Nhàn: 384 Phan Châu Trinh, quán bán từ chiều tối, giá 15.000 – 20.000 VND/tô
  10. Cao lầu và cơm gà Hội An ở Đà Nẵng – Cơm gà Hồng Ngọc: 193 Nguyễn Chí Thanh, Đà Nẵng, giá từ 25.000 – 40.000 VND/phần; Ăn cao lầu tại 267 Thái Thị Bôi, Đà Nẵng (đường Hà Huy Tập quẹo vào), giá 20.000 VND/tô
  11. Bánh tráng tương, báng tráng đập Bà Tứ: 354 Lê Duẩn; giá 3.000 – 5.000 VND/cái
  12. Chè Hương: 288 Phan Châu Trinh; chè Xuân Trang: 31 Lê Duẩn, Q. Hải Châu; chè xoa xoa: 187 đường Hải Phòng – quận Hải Châu. Mỗi món giá 8.000 – 18.000 VND
  13. Tré bà Đệ: 77 Hải Phòng, ĐT: (0511) 382 8067
  14. Quán bún mắm nem tai – bún mắm Ngọc, địa chỉ: số 20 Đoàn Thị Điểm, Đà Nẵng. Giá: 15.000 – 17.00 VND
  15. Quán nem lụi, bún thịt nướng… quán Xuân” địa chỉ 491 Hải Phòng, hoạt động cả ngày, giá 15.000 – 20.000 VND/tô, quán bán cả ngày.
  16. Bún riêu:  Quán 39 Lê Hồng Phong, quán Số 2 Yên Bái
  17. Cháo đêm (trứng muối, thịt, ruốc…) trên đường Phan Châu Trinh gần nhà hát Trưng Vương; cháo lươn ở gần chỗ bán ốc hút đường Lê Duẩn.
  18. Bò kho 144 đường Huỳnh Thúc Kháng, chỉ bán buổi sáng, bên cạnh buổi chiều có bánh canh. Buổi sáng gần đó cũng có một quán bún mắm; ngoài ra có bún mắm chợ Hòa Khánh (đường Âu Cơ, Q. Liên Chiểu).
  19. Cơm niêu Nhà Đỏ 1 và 2 trên đường Nguyễn Tri Phương và Phan Bội Châu, Cơm niêu 3 Cá Bống Nguyễn Tri Phương
  20. Bún bò Huế bà Thương đã có 20 năm nằm trên đường Trần Quốc Toản (gần ngã tư đường Yên Bái và Trần Quốc Toản).
  21. Bê thui Cầu Mống bà Ngọc 228 Đống Đa, 99 Ông Ích Khiêm.

10 món ngon phải nếm khi đến Đà Nẵng

Đà Nẵng, thành phố của những cây cầu, thành phố xanh – sạch – đẹp hấp dẫn du khách bởi nhiều địa điểm du lịch và ẩm thực đặc sắc, ngon khó cưỡng.

1. Mì Quảng

Khỏi phải nói thì ai cũng biết mì Quảng là món nổi danh của Đà Thành. Những cọng mì dày, cứng và to thô là nét đặc trưng tạo nên linh hồn của tô mì. Mì Quảng không có công thức “bất di bất dịch” mà rất đa dạng: mì Quảng sườn non, mì Quảng cá lóc, mì Quảng lươn, mì Quảng chả cua… nhưng “truyền thống” nhất là mì Quảng tôm, gà, trứng, thịt. Đặc biệt, thành phần không thể thiếu của mì Quảng là đậu phộng rang và bánh tráng mè nướng giòn.
Mì Quảng ăn khô
Mì Quảng ăn khô
Thực khách trộn đều tất cả nguyên liệu vào một tô, bên cạnh là tô nước lèo được ninh từ xương heo ngon cùng phần tôm giã lấy nước, thêm hạt điều tạo nên chất nước sánh và lên màu đẹp mắt. Mì Quảng ăn kèm với rau sống như cải, xà lách tươi, húng quế, giá đỗ, rau răm, ngò rí, bắp chuối sắt mỏng… tất cả trộn lẫn tạo nên mùi vị đậm đà khó quên.
Mì Quảng bán buổi sáng tới tầm 9h – 10h ở đường Hoàng Diệu, Phan Thanh, Trưng Nữ Vương, Hoàng Hoa Thám; một số nơi bán cả ngày như trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Công Trứ. Giá cả dao động tùy nơi, tùy tô lớn nhỏ khoảng 13.000 – 25.000 đồng/tô, bánh tráng bán kèm 3.000 đồng/cái.

2. Gỏi cá Nam Ô

Ăn rồi là dễ nghiện, nhưng ít người dám thử món này bởi nó làm từ cá sống. Gỏi cá Nam Ô có thể được chế biến từ cá mòi, cá tớp, cá cơm… nhưng ngon và thích hợp nhất là cá trích. Cá trích cỡ lớn hơn ngón tay, cắt đầu, đuôi, bụng, bỏ xương, tách thân làm hai và xắt từng miếng nhỏ, ép nước để ráo rồi đem ướp với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và thính.
Gỏi cá Nam Ô
Gỏi cá Nam Ô
Nước cốt cá được đun sôi, hòa thêm với nước mắm Nam Ô, ớt, bột năng, bột ngọt tạo thành thứ nước chấm đặc trưng cho riêng món gỏi. Rau ăn kèm với gỏi cá Nam Ô rất đa dạng và đặc biệt, là đọt non của các loại cóc rừng, tim lan, lành ngạnh, lá trâm, lá dừng… vốn chỉ mọc trên trên đèo Hải Vân. Tuy nhiên, giờ đây, các món rau khác như dưa chuột, xoài, chuối… được dùng nhiều để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thực khách.
Có hai cách ăn gỏi cá: cá với rau các loại cuốn bánh tráng hoặc chỉ việc trộn cá với rau và nước chấm, cứ thế ăn. Cho rau lên bánh tráng, gắp thêm vài miếng cá lấm tấm thính riềng vàng ruộm, cuộn lại, chấm vào bát nước chấm và “cắn”. Thịt cá ngọt mát, nước chấm đậm bùi, vị riềng, ớt cay thơm, quyện với các loại lá mang hương rừng khiến người lâng lâng khó tả khi cái ngon thấm vào từng tế bào lưỡi.
Gỏi cá Nam Ô thì phải tới khu vực Nam Ô để thưởng thức mới đúng điệu. Hoặc nếu không, bạn có thể qua Nguyễn Tất Thành hay cầu Nam Ô và gọi một phần với giá từ 40.000 đồng.

3. Bún chả cá

Thực ra, cứ đến miền Trung là đâu đâu cũng dễ tìm ra quán bán bún chả cá. Nhưng bún chả cá ở Đà Nẵng mới thật đặc biệt. Bún chả cá ngon, khi ăn không có mùi tanh, chỉ nghe hương thơm ngào ngạt của tô bún kết hợp với vị ngọt thanh của rau củ quả và vị đậm đà của nước lèo khiến bất cứ thực khách nào cũng phải xuýt xoa…
Bún chả cá
Bún chả cá
Bún chả cá còn được ăn kèm với rau sống, như xà lách, húng, quế, giá đỗ sống. Đặc biệt, không thể thiếu đối với món bún chả cá là ớt tỏi giã và hành ngâm giấm đường. Vị chua chua ngọt ngọt của hành hương cộng với vị cay của ớt tỏi khiến người ăn có những trải nghiệm thú vị không thể nào quên.
Ngoài món bún chả cá, người Đà Nẵng còn khoái khẩu với món bún cá lát. Thay vì chả cá thì người ta để nguyên cá tươi, cắt khoanh và kho sơ qua với gia vị cho thấm. Các loại cá này thường là cá thu, cá ngừ hoặc cá cam tùy vào mỗi mùa trong năm tại Đà Nẵng.
Có nhiều quán bún chả cá ở đây, nhưng một số nơi bạn nên ghé qua nếu tiện đường: quán trên đường Hoàng Diệu (ngay bên cạnh tòa nhà Hoàng Anh Gia Lai) bán cả ngày từ 7h – 21h; quán bán suốt đêm trên đường Hùng Vương; quán lại chỉ bán buổi sáng từ 6h – 10h ở đường Trần Cao Vân (đối diện chợ Tam Tòa). Tất cả đều có giá phải chăng vô cùng, chỉ từ 15.000 đồng/tô.

4. Bánh tráng thịt heo

Không đòi hỏi chế biến cầu kì, mà đơn giản và rất dễ ăn. Thịt heo cuốn bánh tráng ở Đà Nẵng nổi tiếng vì nguyên liệu được chọn kỹ càng, khiến hương vị hoàn hảo. Thịt heo chỉ lấy phần mông hoặc vai, sau đó đem hấp hơi để giữ nguyên vị ngọt. Rau đều thuộc loại thông dụng, rất dễ tìm nhưng phải đảm bảo tươi xanh, không héo úa gồm xà lách, húng quế, diếp cá, hành lá, rau thơm, rau đắng, giá, búp chuối trắng, dưa leo, chuối chát…
Bánh tráng thịt heo
Bánh tráng thịt heo
Tuyệt chiêu của món này phải kể đến mắm nêm, loại nước chấm không thể thay thế. Đây là điều làm ai ai cũng phải nhớ mãi khi thưởng thức món bánh tráng cuốn thịt heo. Qủa vậy, khó thể nào từ chối cái dai dai của bánh tráng kết hợp với vị mềm mại của mì ướt, thêm chút ngọt sắc của thịt, vị tươi mát của rau và cay nồng nàn của mắm nêm.
Để tròn vị, bạn nên chọn quán trên đường Châu Thị Vĩnh Tế hoặc Hải Phòng, Duy Tân, Lê Duẩn, Đỗ Thúc Thịnh… tùy nhà hàng sang trọng hay bình dân với giá khoảng từ 30.000 – 80.000 đồng.

5. Bánh xèo

Bánh xèo Đà Nẵng không nhỏ quá và cũng không lớn quá, chỉ riêng một kích cỡ vừa ăn. Bánh xèo ở Đà Nẵng được làm tự bột gạo xay có thêm lòng đỏ trứng và bột nghệ, đúc trên chảo nóng. Nhân bánh cũng được lựa kỹ, chỉ làm từ tôm còn sống, thịt ba chỉ nửa nạc nửa mỡ và giá đỗ tươi. Rau sống sạch sẽ, gồm xà lách, húng quế, chuối chát, rau cải con… Nước tương pha chế từ gan heo và đậu phụng xay tạo thành một loại nước chấm có hương vị bùi bùi, béo béo, bên cạnh một chén nước mắm ớt tỏi pha theo kiểu truyền thống.

Bánh xèo
Bánh xèo
Bánh xèo ăn nóng, quấn trong bánh tráng mỏng hoặc lá cải to. Từng miếng bánh khi vào trong miệng còn thấy được độ giòn vừa, thêm mùi béo ngậy, vị ngọt của tôm và thịt với man mát các loại rau hòa chút chát chát của chuối xanh. Ăn một lần rồi nhớ mãi. Giá bành xèo cũng “mềm”, chỉ từ 5.000 đồng/cái trên đường Hoàng Diệu, Hải Phòng…

6. Bánh bèo

Thứ bánh dân dã, mộc mạc từ nguyên liệu đến hương vị lại có sức quyến rũ lớn đối với cả dân bản địa và du khách tới Đà Nẵng. Chỉ một tên nhưng bánh bèo có rất nhiều loại, được phân biệt bởi hình dáng và cách ăn. Bánh bèo tai được sắp sẵn lên đĩa, bánh bèo chén được đúc sẵn trong chén tròn nhỏ. Và tất cả đều có nhân bánh hấp dẫn bên trên.

Bánh bèo
Bánh bèo

Nhân bánh làm từ tôm, cá bào ướp gia vị và sấy khô trên than hồng để loại mùi tanh. Hoặc cũng có nhân làm từ thịt nạc, nấm mèo…tạo nên một loại hỗn hợp đặc quánh có màu cam tươi rất đẹp mắt. Bánh bèo còn được ăn kèm với nem chua, chả bò cây. Tuy nhiên, món bánh bèo ngon hay không được quyết định bởi nước mắm ăn kèm. Chỉ là mắm ớt tỏi bằm nhuyễn được pha loãng với nước sôi nguội thêm ít chanh và đường nhưng lại khéo hợp với thứ bánh trắng mềm ấy.
Đến Đà Nẵng, ngồi quanh gánh bánh, vừa ăn vừa húp thứ nước mắm có vị ngọt thanh và thơm hương chanh mới thật thú! Bạn có thể tìm thấy các quán bánh bèo, bánh ướt bánh lọc ở bất kỳ con phố, ngõ hẻm nào trong thành phố và nhà hàng, khách sạn. Không kể đến những gành hàng rong thì khu bánh bèo ở chợ Cồn (cổng đường Hùng Vương), Hoàng Diệu, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm (bán từ trưa, chỉ từ tháng 9 – tháng 2 hàng năm)… là chỗ nên thử. Mỗi chén bánh bèo chỉ khoảng 1.500 đồng.

7. Bê thui Cầu Mống

“Bê thui Cầu Mống” còn được người dân Đà Nẵng gọi với cái tên quen thuộc “bò tái Cầu Mống”. Món này nổi danh ngang hàng với mì Quảng.
Nghệ thuật thui bê gần như là một bí truyền và hiện không còn nhiều người làm được, vì yêu cầu đặc biệt của nó. Miếng thịt bê khi đưa ra khỏi lò phải đạt đủ hai tầng thịt tái, chín rõ rệt, còn bì (da) thì phải chín đến độ trong suốt, đồng thời lại giòn mềm vừa phải. Khi dọn ra, được pha thái khéo léo, từng miếng thái có cả phần thịt lẫn da.
Bê thui Cầu Mống
Bê thui Cầu Mống
Mắm phải là loại mắm cá cơm nguyên con, đem về được gạn lấy nước, thêm đường, ớt tỏi giã nhuyễn, cùng ít gừng và mè rang thơm vàng rất hấp dẫn. Rau ăn kèm với bê thui rất phong phú, bao gồm loại rau Trà Quế, tía tô, xà lách, cải non, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, ngò thơm , húng, quế và giá đỗ…
Trải miếng bánh tráng, đặt lên vài lát thịt bê thui, cuốn chung với rau sống, chấm nước mắm, nhai thật kĩ mới cảm nhận hết vị ngon ngọt của thịt bê cộng với vị mặn đậm đà thơm ngon của mắm quả khiến người ta dễ “quên sầu”. Bê thui Cầu Mống ngon nhất là ở Cầu Mống, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng 15km.

8. Chè xoa xoa hạt lựu

Xoa xoa nấu từ rau câu, hạt lựu làm từ bột lọc loại ngon, thạch đen được chế từ một loại lá cây mát trên rừng, đặc biệt nước cốt dừa được ép từ dừa nguyên chất…tất cả hợp lại làm nên thức uống ngon, mát lành.

Chè xoa xoa hạt lựu
Chè xoa xoa hạt lựu

Khi ăn, độ giòn giòn của thạch, nước dừa và đậu xanh đánh béo ngậy cộng thêm cái dai dai của hạt lựu làm cho người ăn quên hết mệt mỏi. Trong những ngày nắng, xoa xoa hat lựu thật là thứ giải khát tuyệt vời.
Có nhiều quán xoa xoa hạt lựu nhưng ngon nhất vẫn là ở chợ Cồn, hay một số quán trên đường Trần Bình Trọng (ngay ngã ba Trần Bình Trọng và Ngô Gia Tự), Phan Thanh… với giá chỉ từ 5.000 đồng/ly.

9. Ốc hút

Đến Đà Nẵng bất cứ mùa nào trong năm, bạn đều có cơ hội được thưởng thức món ăn đặc biệt này.
Ốc hút
Ốc hút
Ốc hút, là tên gọi dân dã người dân Đà Nẵng gọi riêng món ốc xào sả ớt. Ốc gạo, ốc bươu, ốc đắng… đem về ngâm, rửa sạch rồi đợi ráo nước, đem xào với sả ớt, gia vị, công thức không có gì đặc biệt mà vị thì đậm đà. Đến Đà Thành, chiều chiều lê la bên quán vỉa hè cùng người thân, bạn bè, hút ốc bằng tay, vừa ăn vừa hít hà vì cay, gọi thêm bánh tráng rồi chấm chấm nước ốc mặn mặn cay cay thì thật thích.

10. Mít trộn

Mít trộn, chỉ đơn giản là mít non luộc chín vừa tới, xé tơi để trộn gỏi thịt ba rọi hoặc tôm thẻ hay da heo xắt sợi, thêm đậu phộng giã dập, hành phi, nước mắm chua ngọt với ít rau răm và húng lủi. Nhưng lại khiến người ta ngây ngất trong mùi thơm quyến rũ và màu sắc bắt mắt.

Mít trộn
Mít trộn

Ăn mít trộn cùng bánh tráng mè là “đúng sách”. Bẻ một miếng bánh tráng, xúc một miếng mít trộn, cái giòn rụm của bánh tráng, vị bùi và ngọt của mít non, chút giòn sựt sựt của da heo, thêm vị thơm của đậu phộng, hành phi và chút cay cay của ớt, rau thơm… tất cả tạo nên vị ngon khó cưỡng.
Các quán thường bán chung 2 loại đồ ăn này vào buổi chiều đến tối, ngon nhất là trên đường Ông Ích Đường (đối diện dệt may Hòa Thọ), Phạm Văn Nghị… Giá rất bình dân, chỉ khoảng 25.000 đồng/đĩa ốc, 10.000 đồng/ đĩa mít.